Trước cơn sốt xình xịch chọn trường của phụ huynh, một số trường ở Hà Nội và TP.HCM đã phải tổ chức tuyển sinh như thi đại học: "Tỉ lệ chọi" cao ngất, không khí luyện thi nóng tưng bừng và các chiêu ăn theo cũng bội phần phong phú.
Có đua là có lò luyện!
Do làn sóng "chạy trường điểm", nhiều trường có tên tuổi ở TP.HCM và Hà Nội phải tìm thuốc "hạ sốt" bằng cách tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra kiến thức đầu vào để giảm áp lực. Dù vậy, lượng đơn đầu quân vào những trường này hàng năm không giảm dẫn đến cuộc đua càng thêm căng.
Năm học 2011-2012, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (Q1.TP.HCM) tuyển 360 học sinh lớp 6 tiếng Anh tăng cường. Đây là trường duy nhất của thành phố tổ chức thi tuyển vì năm nào, số lượng đơn dự tuyển vào trường này cũng vào khoảng 4.000 đơn. Như vậy để có 1 chỗ ngồi trong trường thì 1 học sinh phải "đánh gục" trên 11 "đối thủ" cùng trang lứa.
Với tỉ lệ chọi lên đến 1/10- 1/11, hiển nhiên, các bậc cha mẹ phải đưa con mình đi luyện. Tại TP.HCM, ngoài trung tâm luyện thi đặt ngay tại trường Trần Đại Nghĩa và Trung tâm bồi dưỡng văn hoá 218 Lý Tự Trọng, còn có Trung tâm bồi dưỡng văn hoá Việt Học (4 Tú Xương, quận 3) với giá tiền dưới một triệu đồng (2 môn), trên một triệu đồng (3 môn).
Nhiều bậc phụ huynh cho biết, các gia đình khá giả sẵn sàng đầu tư mọi thứ để miễn con vào học trường này, vì trường Trần Đại Nghĩa "có tiếng" đến mức, ai có con học ở đó đều rất tự hào! Có lẽ vì thế, nhiều bậc cha mẹ không tiếc tiền luyện thi, săn lùng những nơi luyện thi ngay từ đầu tháng 5 để kịp thi tuyển vào ngày 29-30/6.
Không chỉ ở TP.HCM việc chạy đua để có chỗ ngồi trong trường "điểm" căng thẳng mà ở Hà Nội cũng sốt sình sịch.
Mấy năm gần đây, cùng với Trường Hà Nội - Amsterdam, Trường Marie Curie là trường ngoài công lập có "thương hiệu" ở Hà Nội tuyển sinh cả bậc THCS và THPT và luôn đứng ở top đầu về mức độ căng thẳng trong tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10.
Theo hiệu trưởng Trường Hà Nội - Amsterdam Phạm Văn Đại, liên tiếp trong mấy mùa tuyển sinh vào lớp 6 gần đây trường luôn nhận được nhiều hồ sơ gấp hàng chục lần so với chỉ tiêu tuyển. Tỷ lệ chọi thường dao động 1/10. Như năm 2010, trường tuyển mới 200 chỉ tiêu vào lớp 6 nhưng nhận đến hơn 2.000 đơn dự tuyển. Chỉ tiêu tuyển mới vào lớp 6 năm nay cũng ấn định 200.
Chỉ tiêu tuyển mới chỉ vài trăm nhưng Trường Marie Curie luôn nằm trong "tầm ngắm" của không ít phụ huynh nên trường đã phải tổ chức một kỳ thi riêng "hoành tráng" vào lớp 6 như thi tuyển vào đại học. Tỷ lệ chọi của trường mấy năm gần đây không thấp hơn 1/8.
Cũng từ nhu cầu vào bằng được trường điểm nên nhiều bậc phụ huynh đã không tiếc thời gian tìm thầy - thầy phải dạy ở truờng điểm nói trên được phụ huynh nhắm đến để con luyện cho quen thầy, quen với "phong cách" học của trường "có tiếng".
Luyện từ lớp 2
Hai năm nữa, cháu chị Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) mới vào lớp 6 nhưng cả gia đình đồng lòng hướng con vào Trường Hà Nội - Amsterdam. Bỏ ngoài tai nhiều lời khuyên đưa cháu đến lò A, lò B để luyện vì xác định "không quá gò cháu học quá nhiều". Và gia đình đã tìm cho cháu 1 gia sư có tiếng luyện thi vào trường này với điều kiện, mỗi tuần chỉ học 2 buổi học Toán , mỗi buổi 1 tiếng dạy nội dung không nằm ngoài chương trình.
Việc duy trì tuần 2 buổi luyện thi cùng gia sư của cháu đã được hơn năm nay - từ lớp 3, với mục tiêu thi đậu vào lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam. Học phí mỗi buổi học là 200.000 đồng. Ngoài ra, mỗi ngày cháu học thêm 30 phút tiếng Anh với người nhà để cháu tự tin hơn khi bước vào kỳ thi, chị Hà nói.
Quan niệm của chị Hà, ôn thi vào Ams thì phải có sự "tích lũy" kiến thức trước từ vài năm, chứ nếu để đến lớp 5 mới luyện thì quá muộn vì nhiều phụ huynh còn cho con luyện từ lớp 2.
Chị Lan Anh (Gia Lâm, Hà Nội) nhiều tháng nay như "ngồi trên đống lửa" tìm thầy luyện cho con thi vào Trường Hà Nội - Amsterdam, chị nói "mục tiêu của gia đình muốn để cháu thử sức, nếu thi đỗ vào Ams thì tốt, còn không gia đình đã có phương án 2". Lúc đầu cũng không có ý định cho con đến lò luyện, nhưng thấy bạn bè thúc giục vì có người cho con đi luyện từ lớp 2, lớp 3 nên nghĩ không cho con làm quen thầy, quen với gu học của trường điểm nên sợ bước vào thi sẽ bỡ ngỡ.
Do đó chị tìm hiểu và cho con luyện tại "lò" của một thầy tên V. - giáo viên của trường Ams. Một tuần con học 1 buổi 3 tiếng. Và một tháng học 4 buổi. Chị Lan Anh cho biết, đến "lò" thầy V. con không phải kiểm tra đầu vào mà học sinh mới đến thầy dồn vào 1 lớp, sau 1 tuần sẽ phân loại.
Còn ở một "lò" luyện khác trên đường Thái Hà, một giáo viên tiếp chuyện chúng tôi nói "trung tâm nhận luyện thi vào Trường Hà Nội - Amsterdam cho học sinh học từ lớp 3, lớp 4, thậm chí sớm hơn.... Tuy nhiên, học sinh đến phải kiểm tra đầu vào vì trung tâm không nhận những học sinh có học lực trung bình trở xuống. Còn với những học sinh giỏi sẽ nhận và ghép lớp ngay, học sinh chưa giỏi sẽ phải chờ đến tháng 6 mới có lớp mới."
Ở Trường Marie Curie có lưu hành nội bộ một tập đề thi - đáp án tuyển sinh vào lớp 6. Ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng nhà trường đã từng nói "nếu học sinh chỉ học trong trường tiểu học chắc chắn được điểm 5". Nhưng để có thể được lựa chọn vào trường, điểm 5 quá mong manh, nếu không nói là dễ thua cuộc.
Chính vì thế, giới luyện thi bậc THCS ở Hà Nội ngày càng nổi tiếng không kém giới luyện thi vào ĐH. Các "lò” luyện thi vào lớp 6 còn sôi động hơn luyện thi đại học, và không loại trừ có "lò" mượn danh thầy X, cô Y....để kiếm lời.
"Té nước theo mưa"
Ghi nhận của PV mùa tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa năm 2010 đã có hiện tượng, có một cô tên Xuân Hương đã mạo danh là giáo viên của trường mở lớp luyện thi tại nhà với giá 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Bác Dụng đã trả lời trên báo Thanh Niên rằng trường không có giáo viên nào tên Xuân Hương. Ngoài ra, nhà trường nghiêm cấm giáo viên trong trường tổ chức lớp ôn luyện thi tại nhà. Thực tế đang có nhiều thông tin quảng cáo luyện thi đảm bảo đậu vào trường chuyên Trần Đại Nghĩa, đặc biệt có thông tin là biết trước đề thi... Đó đều là những tin đồn thất thiệt!
Năm nay, vẫn được dịp "té nước theo mưa", một giáo viên tự xưng là Huy cũng sẵn sàng tới nhà để luyện thi cho em nào có nhu cầu thi vào trường Trần Đại Nghĩa với giá 2 triệu đồng. Hỏi học sinh ở Trần Đại Nghĩa, các em học sinh cho biết không có thầy Huy nào đang dạy ở trường.
Mẩu quảng cáo của giáo viên tự xưng là Huy
Một phụ huynh chia sẻ: Trong số các em đi luyện thi, có em không luyện cũng thi đậu, có em luyện cũng không đậu, đơn giản vì bao giờ trường cũng chỉ "hớt lớp váng". Như vậy, phải xem xét khả năng học tập thực sự của con em mình rồi đến ngày thi chỉ việc thi, ôn luyện một tháng chỉ khiến các em thêm mệt mỏi và áp lực, chỉ có lợi cái danh cho cha mẹ mà thôi.
Gặp hai học sinh đang học lớp 6 tại sân trường Trần Đại Nghĩa, các em cho biết: một em luyện thi ngay tại trường- số 20 Lý Tự Trọng (lớp luyện thi ngay ở lầu 1, từ 5h chiều đến 7h tối), một em luyện thi ở Trung tâm bồi dưỡng văn hoá 218 Lý Tự Trọng và kết quả hai em đều đậu vào trường.
Một học sinh có điểm gần tuyệt đối khi thi vào trường: Toán 8,75, Ngữ Văn 8, khảo sát khả năng học Ngoại ngữ tiếng Anh 17/20 cho biết: Mặc dù em có luyện thi nhưng khả năng và năng khiếu vẫn quan trọng nhất. Năm ngoái, môn Anh văn được kiểm tra không chỉ nghe nói tiếng Anh, mà còn phải nghe nhiều thứ tiếng khác, miễn là thể hiện được khả năng nghe và phát âm theo cho chuẩn.
Ở Hà Nội, một giáo viên của Trường Ams đã phải làm "điều tra viên" bất đắc dĩ khi bạn bè hỏi ý kiến: có thầy B, cô C của trường mở lớp luyện cho con học có được? Theo lời kể, giáo viên này đã tới trường kiểm chứng nhưng không có giáo viên nào. Như vậy, do nhu cầu tới "lò" luyện ngày càng nhiều đã khiến cho mượn danh thầy, danh trường có tiếng để chiêu sinh kiếm lời.