Posts : 261 Points : 102557 Thanked : 0 Gia nhập: : 27/11/2010 Tuổi : 30 Đến từ : fire moutain
Tiêu đề: Bạo lực trong trường vẫn tiếp diễn khi luật chưa nghiêm • 5/23/2011, 16:01
Bạo lực trong trường vẫn tiếp diễn khi luật chưa nghiêm •
(VTC News) - Gần đây, có ngày càng nhiều các trường hợp thầy cô giáo dùng thước đánh tím tay học sinh, bắt học sinh ăn giấy, cho bạn tát học sinh 20 cái khiến những học sinh này phải nhập viện. Những việc làm xâm phạm đến thân thể học sinh ngay trong lớp học hiện đang gây bức xúc trong dư luận.
Gần đây nhất sáng 27/4/2011, thấy em Huỳnh Nhật Thiên (học sinh lớp 2/2 trường tiểu học Tân Lập 2, Nha Trang) không chép bài, cô giáo dạy môn tiếng Pháp Võ Thị Bích Tuyền đã dùng thước đánh vào cánh tay trái của em. Sau đó, giờ học buổi chiều cùng ngày, thấy Thiên vẫn chưa chép bài đầy đủ, cô Tuyền gọi em lên bục giảng, tiếp tục dùng thước bảng đánh vào tay trái cậu bé.
Cánh tay bầm tím của em Huỳnh Nhật Thiên do cô giáo đánh (Ảnh: Mỹ Giang)
Phụ huynh cho biết, Thiên vừa làm tiểu phẫu ở bắp tay phải nên chép bài không nhanh và mệt mỏi. Có thể đây là nguyên nhân khiến bé không đáp ứng được bài học trên lớp.
Ông Nguyễn Bá Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 2 thừa nhận: "Ngay khi nhìn thấy vết thương trên cánh tay của em Thiên, tôi đã rất xót xa. Đây là một việc làm vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo, trong khi trường đang xây dựng 'môi trường thân thiện'".
Trước đó đầu tháng 4/2011, cha mẹ học sinh đã phản ánh việc cô giáo chủ nhiệm lớp 3A Trường Tiểu học B Vĩnh An, xã Vĩnh An của huyện Châu Thành bắt 8 học sinh ăn giấy trong giờ sinh hoạt lớp.
Tiểu học B. Vĩnh An nơi xảy ra sự việc
Qua làm việc với hội đồng kỷ luật nhà trường, cô Trần Thị Huy chủ nhiệm lớp 3A Trường Tiểu học B Vĩnh An cho biết: cuối tháng 3, trong một buổi sinh hoạt lớp có nhiều học sinh ham chơi cứ ngồi xếp máy bay, xếp giấy giật cho nổ làm mất trật tự. Do quá nóng tính nên cô Huy đã bắt 8 học sinh đứng dậy ăn hết những tờ giấy đang xếp trên tay rồi cô bước ra khỏi lớp đóng cửa lại.
Một học sinh cho biết, ăn giấy rất khó, muốn nôn ra khỏi miệng nhưng không dám vì sợ cô chủ nhiệm phạt tiếp nên về nhà bị đau bụng.
Ông Bùi Văn Sơn - Phó phòng Giáo dục huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cho rằng, tuy học trò có nghịch nhiều lần nhưng việc bắt học sinh ăn giấy là hành vi phản giáo dục. Tại cuộc họp, Hội đồng kỷ luật của Phòng Giáo dục đã thống nhất hình thức kỷ luật trình UBND huyện Châu Thành chính thức ra quyết định cảnh cáo cô Huy.
Ngày 22/10/2009, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với giáo viên Võ Hồng Tân vì hành vi đánh học sinh dẫn đến thủng màng nhĩ ngay trong giờ dạy.
Theo bản tường trình của giáo viên Võ Hồng Tân, ngày 9/10/2009, trong tiết dạy môn Lịch sử tại lớp 7/1, nhận thấy các học sinh truy bài không nghiêm túc, nên giáo viên đã cho học sinh ra ngoài sân trường để truy bài.
Tất cả học sinh đều chấp hành nghiêm túc, riêng em Nguyễn Cảnh Phúc không thực hiện. Sau nhiều lần nhắc nhở, em Phúc vẫn cười đùa với một số bạn. Trong lúc nóng giận vì thái độ trêu tức của các em học sinh, giáo viên Tân đã tát tai em Phúc.
Gia đình em Phúc đã đưa em đi khám nội soi tại cơ sở y tế tư nhân. Kết quả em đã bị thủng màng nhĩ tai trái. Sau đó, giáo viên Tân đã đến nhà em Phúc thăm hỏi, xin lỗi gia đình và xin chịu trách nhiệm về chi phí khám, điều trị bệnh cho em.
Đầu năm 2008, báo chí ghi nhận sự việc đau lòng. Chỉ vì một học sinh vui miệng nói "Alibaba cái quần sida xé ra làm ba" mà cô giáo Nguyễn Thị Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 3 điểm trường ấp Bình Thành, Trường Tiểu học Trần Thới 3, xã Trần Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) chỉ đạo cho học sinh Trần Vũ Hải tát vào má cháu Hồ Thị Trúc Ly 20 cái. Hậu quả là Ly phải nhập viện điều trị 6 ngày.
Giấy tờ khám bệnh và điều trị của cháu Hồ Thị Trúc Ly
Chuẩn đoán của bác sĩ BV Đa khoa Cái Nước: Bị chấn thương phần mềm 2 má và mũi. Phương pháp điều trị phải dùng đến kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và cầm máu.
Cô Bình tự đưa ra hình phạt đối với các học sinh trong lớp: Ai nói tục bị tát 20 cái. Do cô Bình mải chấm bài nên đã không kiểm soát được hành động phạt do mình đề ra khiến Ly bị nặng và phải nhập viện.
Chiều ngày 3/1/2008, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thới 3 Tô Minh Thi khẳng định: Nhà trường không hề có quy định nào học sinh nói tục bị phạt. Đây là hình thức phạt của riêng cô Nguyễn Thị Bình. Nhà trường đã tổ chức xin lỗi gia đình cháu Ly và có hình thức xử phạt cô Bình.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với VTC News về những hành động trên, BS. Nguyễn Trọng An, phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho rằng nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do một bộ phận thầy cô giáo còn thiếu tình thương con trẻ, không hiểu rõ được quyền của trẻ em, thậm chí bản thân họ đang vi phạm quyền trẻ em mà họ cũng không biết.
BS. Nguyễn Trọng An, phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH (Ảnh: Phương Dung)
Bên cạnh đó do quan niệm, phong tục tập quán cổ hủ: “yêu cho roi cho vọt” đã khiến một số thầy cô giáo có hành vi ứng xử không đúng với trẻ em. Các bậc cha mẹ, thầy cô phải nhận thấy rằng: “Roi vọt không làm trẻ nên người. Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”.
Cũng cần thấy rằng, Luật pháp của chúng ta về vấn đề Bảo vệ trẻ em, phòng chống lạm dụng ngược đãi trẻ em còn chưa được rõ ràng, chưa được cụ thể, chế tài xử phạt các vi phạm, ngược đãi trẻ em còn chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe.
Ông An cũng cho biết thông tin gần đây, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã phối hợp với các Bộ ngành xây dựng một chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, đã được Thủ tướng CP phê duyệt vào tháng 2/2011 với tổng kinh phí là hơn 1.700 tỷ đồng. Triển vọng các hoạt động bảo vệ trẻ em sẽ được triển khai đồng bộ hơn, trẻ em chúng ta sẽ ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Theo VTC.
Bạo lực trong trường vẫn tiếp diễn khi luật chưa nghiêm •